Từng là một trung tâm thương mại, và một trong những khu vực định cư lâu đời nhất của người Mã Lai ở Singapore, Geylang Serai lấy tên từ những cây serai (cây sả) được trồng bạt ngàn trong khu vực, trong nửa cuối thế kỉ 19.

Với một quá khứ thú vị vẫn hiện hữu trong những căn nhà ở kiêm cửa hiệu đã được sửa sang, những khu đền đài miếu mạo và những quán ăn truyền thống, Geylang Serai có vô số câu chuyện để khám phá. Hãy cùng đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa bạn thăm thú khu vực giàu di sản địa phương này.

Những phiên chợ đông vui và những khu chợ truyền thống
Một người khách qua đường đang ngắm những chiếc đèn lồng treo ở chợ Geylang Serai

Là một trong những khu chợ bán đồ tươi sống lớn nhất và đông đúc nhất ở Singapore, Chợ Geylang Serai vừa là một tâm điểm của những hoạt động huyên náo, vừa là một nơi tuyệt vời để mở mang những trải nghiệm ẩm thực của bạn với những món ăn Mã Lai truyền thống. Asam pedas stingray (món hầm chua cay), rendang bò (thịt hầm trong nước dừa và các loại gia vị) và goreng pisang (bánh chuối chiên) là một số món Mã Lai có bạn tại khu ăn uống bình dân này, nằm ở lầu hai của chợ bán đồ tươi sống.

Ngoài ra, bạn cũng có thể nếm thử các món ăn truyền thống tại Haig Road Food Centre. Khu ăn uống bình dân này là địa điểm bán đồ ăn lớn nhất ở Geylang Serai, với hàng loạt các món ăn đặc sắc, như roti john (bánh mì kẹp trứng ốp la) và putu piring (bánh gạo hấp có nhân gula melaka (đường thốt nốt)). Chủ quán Haig Road Putu Piring, anh Mohamad Hashim, đã dành hơn hai thập kỉ để hoàn thiện những món ngọt truyền thống mà anh học cách làm từ bà của mình.

Nếu bạn đến khu dân cư này đúng vào dịp Ramadan, hãy nhớ ghé thăm Geylang Serai Bazaar. Trong dịp lễ này, con đường tấp nập được khoác lên lớp áo mới với những ngọn đèn lung linh, những hoạt động lễ hội và vô số những món ăn đường phố hiện đại lẫn truyền thống rất ngon miệng. Bạn sẽ được thưởng thức món ăn quen thuộc ở pasar malam (chợ đêm) như vadai (bánh vòng Ấn có vị mặn) và mee kuah (mì nước lèo cay có màu đỏ).

Nơi chốn, con người, và quá khứ
Bên trong The Intan

Một khu dân cư không chỉ là một tập thể những người sống gần nhau: Đó còn là tập hợp những câu chuyện, truyền thống và lịch sử. Nếu muốn tiếp cận lịch sử một cách gần gũi hơn, bạn hãy đến The Intan, khu nhà ở hậu chiến đã được chuyển thành một bảo tàng. Thôi thúc bởi mong muốn từ thuở ấu thơ là khám phá lại di sản của mình, chủ nhà Alvin Yapp đã thu thập một kho tàng những hiện vật và đồ cổ của người Peranakan*, đồng thời tích góp một vốn quý hiểu biết về nền văn hóa đó. Bảo tàng chỉ đón tiếp khách đã hẹn trước, nên hãy nhớ đăng kí trước khi đến.

Những người yêu văn hóa và thích khám phá muốn đắm mình trong truyền thống và kiến trúc tôn giáo nên đi vòng qua những căn nhà ở kiêm cửa hiệu cổ kính cùng những dãy nhà ở tập thể của khu này, rồi ghé thăm Đền Sri Sivan. Đền thờ thần Shiva, một vị thần quan trọng trong đạo Hindu, ngôi đền ban đầu bị hư hại trong Thế Chiến thứ II, và được di dời đến vị trí hiện tại vào năm 1993.

*Đây là từ Indonesia/Malay có nghĩa là "được sinh ra tại địa phương", thường chỉ những người có nguồn gốc Trung Hoa và Malay/Indonesia.