Thưởng lãm nét di sản Singapore thông qua nghệ thuật

Nếu bạn muốn biết nhiều hơn về lịch sử và nghệ thuật của đất nước Singapore, đây chính là hướng dẫn dành cho bạn.

Con đường đi bộ nghệ thuật Civic District Art Trail khắc họa những điểm tiêu biểu trong quá khứ của thành phố, với những công trình tưởng niệm các nhân vật lịch sử lỗi lạc như Ngài Stamford Raffles, những công trình lịch sử và biểu tượng kiến trúc của thế kỷ 21.

Bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm của một số các nhà điêu khắc tiên phong của Singapore, cũng như các tác phẩm hiện đại của nghệ sĩ trên khắp thế giới.

Civic District Art Trail
Tất cả các địa điểm đều gần trạm MRT Dhoby Ghaut, MRT Bras Basah và MRT City Hall
Trạm MRT Dhoby Ghaut đến Bảo tàng Quốc gia Singapore

Xuống ở trạm MRT Dhoby Ghaut và đi về hướng Bảo tàng Quốc gia Singapore (National Museum of Singapore). Trên đoạn đường đi bộ, bạn sẽ thấy một cấu trúc góc cạnh tọa lạc trên thảm cỏ ngay trước tòa nhà YMCA của Singapore, ngay góc đường Prinsep Street và Orchard Road. Đây là 1 Endless Flow (1980), tác phẩm điêu khắc công cộng thứ hai của nghệ sĩ người Singapore, Tan Teng Kee.

Do OCBC Bank đặt làm nên tác phẩm điêu khắc bằng đồng thau cao 6,4 mét này lúc đầu được đặt bên ngoài OCBC Centre trên đường Chulia Street. Sau khi ngân hàng tặng bức tượng này cho Bộ Công viên và Giải trí (Parks and Recreation Department) vào năm 1983, bức tượng được chuyển đến Công viên Bras Basah và sau đó chuyển đến vị trí hiện nay.

Khi đến Bảo tàng Quốc gia Singapore, bạn sẽ thấy 2 20 Tonnes (2002) của nhà điêu khắc người Singapore Han Sai Por – gồm sáu tấm đá granite thô, rắn chắc xếp thành một hàng. Một tác phẩm nghệ thuật khác của Han là 3 Seeds (2006), hai hạt màu nâu khổng lồ đẽo từ tảng sa thạch khai quật tại Công viên Fort Canning khi bảo tàng đang trong quá trình xây dựng.

Đi về phía bên trái, bạn sẽ thấy tác phẩm 4 Living World (1987). Đây là bốn nhân vật bằng đồng nhiều màu sắc do nhà điêu khắc người Đài Loan, Ju Ming thực hiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Quốc gia Singapore lúc bấy giờ. Bên cạnh là một tác phẩm điêu khắc bằng thép không gỉ có đỉnh nhọn và những đường cong, 5 Transformation (2004) của nhà điêu khắc nổi tiếng Tan Teng Kee.

Cách Bảo tàng Quốc gia chỉ vài bước chân là 6 Let There Be Peace (2005), tác phẩm của Alexandra Nechita người Romania, một Đài tưởng niệm Hòa bình của Liên Hợp Quốc dành cho khu vực Châu Á được làm bằng đồng với chiều cao 3 mét. Đi bộ về phía cửa sau của bảo tàng. Ở đây, bạn sẽ nhìn thấy 7 Pedas Pedas (2006), tác phẩm của nghệ sĩ người Singapore Kumari Nahappan. Tên bức tượng có nghĩa là cay trong tiếng Mã Lai, và tác phẩm trái ớt khổng lồ này thể hiện sự hòa trộn phong phú giữa các nền văn hóa của Singapore.

Vườn Điêu Khắc ASEAN

Băng qua đường từ Bảo tàng Quốc gia Singapore tại Fort Canning Link, bạn sẽ đến Công viên Fort Canning. Đi qua bãi đậu xe hơi thì bạn sẽ đến Vườn Điêu khắc ASEAN (ASEAN Sculpture Garden).

Các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời trong không gian yên tĩnh này được tạo ra vào năm 1981 để chào mừng Hội nghị Điêu khắc ASEAN ở Singapore. Năm nước thành viên sáng lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore – đều tặng một tác phẩm điêu khắc cho khu vườn trong công viên này. Năm 1988, Brunei tặng một tác phẩm khi chính thức trở thành thành viên ASEAN.

Tác phẩm táo bạo trong sắc đỏ 8 Augury (1988) của tác giả Anthony Lau người Malaysia là phiên bản thay thế sau khi tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh nguyên bản có tên là Taming Sari của Ariffin Mohammed Ismail không chịu được điều kiện thời tiết nơi đây.

Được mệnh danh là bậc tiền bối trong nền điêu khắc Singapore, Ng Eng Teng đã sáng tạo ra tác phẩm theo trường phái tối giản 9 Balance (1982), theo đơn đặt hàng của Hội đồng Văn hóa và Thông tin (Committee on Culture and Information).

Tác phẩm 10 Concentration (1982) của Vichai Sithiratn người Thái Lan được làm từ các tấm thép, còn tác phẩm 11 Unity (1982) của nhà điêu khắc But Muchtar người Indonesia được làm từ đồng và thép.

Tác phẩm 12 Together (1988) có dáng vẻ giống một cột cờ, được làm từ thép không gỉ là của Osman Bin Mohammad người Brunei và tượng trưng cho sáu thành viên của ASEAN vào thời điểm đó.

Cuối cùng, tác phẩm cao 5 mét bằng thép và bê tông 13 Fredesvinda (1982) của Napoleon Veloso Abueva người Philippines mô phỏng bộ khung của một chiếc thuyền đang đóng dở. Tên bức tượng có nghĩa là sức mạnh của quốc gia trong tiếng Đức.

Trạm MRT City Hall đến The Arts House
Bức tượng Ngài Stamford Raffles ở phía trước Nhà hát Victoria

Đi tàu điện từ trạm MRT Dhoby Ghaut và xuống ở trạm MRT City Hall. Đây là trung tâm của Khu Trung tâm Hành chính Singapore, với nhiều tòa nhà giàu tính lịch sử.

Hãy đi bộ đến Tòa án tối cao cũ có dáng vẻ uy nghi, nằm trên đường St Andrew's Road. Tòa nhà này hiện là một phần của Phòng trưng bày Quốc gia Singapore (National Gallery Singapore). Bạn vẫn có thể chiêm ngưỡng tác phẩm 14 Allegory of Justice (1937) nếu nhìn lên mái của tòa nhà. Miêu tả một hệ thống thượng tôn pháp luật và trật tự, với các hình tượng của Công lý, Khoan dung, Luật pháp, Tri ân và Thịnh vượng, tác phẩm đồ sộ này do nhà điêu khắc Cavalieri Rudolfo Nolli, người Ý, sáng tạo nên. Ông cũng tham gia xây dựng cung điện hoàng gia King Chulalongkorn of Siam vào năm 1913.

Đối diện bên kia đường là Nhà hát Victoria. Tại đây bạn sẽ thấy bức tượng mô phỏng người đàn ông đã đặt viên gạch nền móng cho tất cả mọi thứ của đảo quốc này, tác phẩm 15 Sir Stamford Raffles, vị cha đẻ của Singapore hiện đại. Đây là bức tượng nguyên bản bằng đồng đen do Thomas Woolner hoàn thành vào năm 1887. Bức tượng còn được gọi là orang besi, có nghĩa là người đàn ông sắt trong tiếng Mã Lai. Lúc đầu bức tượng được đặt vào Lễ Sinh Nhật Vàng của Nữ hoàng Victoria vào ngày 27 tháng 6 năm 1887 tại Padang, nhưng sau đó được dời đến địa điểm hiện nay nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Singapore vào ngày 6 tháng 2 năm 1919.

Đi bộ một quãng ngắn từ Nhà Trưng bày Nghệ thuật, trước đây là Tòa nhà Quốc Hội cũ, bạn sẽ nhìn thấy bức tượng đồng 16 Elephant Statue. Đây là món quà tặng của Vua Chulalongkorn nhân chuyến thăm của ông vào năm 1871. Trên bệ cao của bức tượng có dòng chữ được khắc bằng tiếng Xiêm, tiếng Jawi, tiếng Hoa, và tiếng Anh, viết rằng: “Đức vua Somdetch Paramindr Maha Chulalongkorn, Hoàng đế Tối cao của nước Xiêm, đã đặt chân lên Singapore, vùng đất ngoại quốc đầu tiên mà một Đế vương của nước Xiêm đến thăm, vào ngày 16 tháng 3 năm 1871.”

Khám phá thêm